Hội thảo giới thiệu kết quả thực hiện dự án “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn tím Phong Nẫm” dùng cho sản phẩm nhãn tím của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng”
Hiện nay, nhãn là loại cây ăn trái được trồng phổ biến ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp,... Ở Sóc Trăng, nhãn được trồng nhiều nhất ở huyện Kế Sách với 2.600 ha (so với cả tỉnh là 3.678 ha, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách năm 2018). Các giống nhãn được trồng chủ yếu là nhãn long, nhãn da bò, nhãn xuồng,… Riêng đối với nhãn tím được phát hiện trong vườn nhãn long của ông Trần Văn Huy (còn gọi là Bảy Huy), tại xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng trong khoảng thời gian 2007-2008.
Đến năm 2012, những nhánh nhãn tím được nhân giống đầu tiên đã bắt đầu ra bông, kết trái, trái có màu tím bắt mắt, chất lượng trái thơm ngon mang lại nguồn thu tăng gấp 5 đến 6 lần so với nhãn long, nhãn da bò (Giá bán khoảng 100.000 đồng/kg). Xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương, dự án “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn tím Phong Nẫm” dùng cho sản phẩm nhãn tím của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng” được đưa vào thực hiện năm 2019, do Trung tâm ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh Sóc Trăng chủ trì thực hiện.
Tại Hội thảo, các đại biểu được tham quan mô hình trồng nhãn tím đang cho trái của ông Trần Văn Huy, tại xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách và nghe Báo cáo tham luận về “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”; nhóm thực hiện dự án trình bày một số nội dung đã thực hiện: Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn tím Phong Nẫm” cho sản phẩm nhãn tím của xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng; Quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn tím Phong Nẫm” và Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn tím Phong Nẫm”; Điều kiện và đối tượng tham gia sử dụng nhãn hiệu “Nhãn tím Phong Nẫm” trong sản xuất và kinh doanh.
Bên cạnh đó, các đại biểu còn được nghe chia sẻ của ông Trần Văn Huy từ khi phát hiện nhãn tím trong vườn nhãn long đến khi chiết nhánh, chăm sóc, nhân rộng vườn nhãn tím của gia đình đến nay. Qua đó, ông Lý Quốc Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng trao đổi thêm với các đại biểu và hộ dân trồng nhãn về chất lượng nhãn tím của địa phương, ông nhấn mạnh: Để đáp ứng về chất lượng và nhu cầu thị trường, ngoài hình thức độc, lạ của sản phẩm, cần nghiên cứu thêm về việc tăng hàm lượng thịt nhãn tím của địa phương.
Sau khi nghe báo cáo kết quả và các ý kiến trao đổi tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Khen - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm kiến nghị với Sở KH&CN và các ngành có liên quan hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm nhãn tím của địa phương để làm cơ sở để nhân rộng mô hình trồng nhãn tím, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương trong thời gian tới.
Qua các ý kiến trao đổi trên, ông Dương Vĩnh Hảo - Phó Giám đốc Sở KH&CN đề nghị địa phương và đơn vị chủ trì cần lưu ý một số nội dung sau:
+ Địa phương cần quan tâm khai thác sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ để phát triển sản xuất, kinh doanh và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu “Nhãn Tím Phong Nẫm” cho địa phương. Đây là điều kiện để địa phương phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
+ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách tiếp tục phổ biến về quy chế sử dụng, quản lý nhãn hiệu và yêu cầu chất lượng sản phẩm khi tham gia sử dụng nhãn hiệu “Nhãm tím Phong Nẫm” đến người dân để đảm bảo chất lượng sản phẩm nhãn tím của địa phương lưu thông trên thị trường.
+ UBND xã Phong Nẫm hỗ trợ người dân nhân rộng diện tích trồng nhãn tím trên địa bàn xã để tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh trong thời gian tới.
+ Đơn vị chủ trì phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng tiếp tục đề xuất nghiên cứu về nguồn gen của nhãn tím Phong Nẫm nhằm khai thác và bảo tồn nguồn gen quý của địa phương.
Lưu Thị Kiều Oanh